Tìm hiểu cách vận hành trạm xử lý nước thải mới nhất hiện nay

Tìm hiểu cách vận hành trạm xử lý nước thải mới nhất hiện nay: Khi nước thải vào cụm bể MBBR + bể sinh học hiếu khí, ngập các ống phân phối khí phải bật máy thổi khí để cung cấp ôxy cho quá trình. Bật máy thổi khí để khí thông qua các ống phân phối khuyếch tán trước khi cho nước thải chảy vào. Điều này sẽ ngăn chặn các vật chất trong nước thải làm tắc ống phân phối khí. Điền đầy cụm bể hiếu khí (MBBR + bể sinh học hiếu khí) để việc hoạt động ở độ sâu của nước bình thường, như vậy cho phép ống phân phối khí hoạt động với hiệu suất cao nhất.

1. Vận hành một trạm xử lý nước thải theo dây chuyền công nghệ

Tìm hiểu cách vận hành trạm xử lý nước thải mới nhất hiện nay 

2.  QUÁ TRÌNH VẬN HÀNH HỆ THỐNG

2.1. CÔNG TÁC KIỂM TRA, CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI VẬN HÀNH

Trước khi vận hành hệ thống, yêu cầu người vận hành phải kiểm tra toàn bộ thiết bị trong hệ thống trước khi hoạt động.

2.1.1. Kiểm tra các thiết bị

–                 Kiểm tra nhà máy đang hoạt động trong trạng thái “Tự động điều khiển bằng cài đặt mặc định tại tủ điện trung tâm” hay đang trong trạng thái “Điều khiển bằng tay”. (Các nút điều khiển trên tủ điện đang ở trạng thái Auto hay Hand), kiểm tra nguồn điện cấp cho các tủ điều khiển trong nhà điều hành.

–                 Kiểm tra trạng thái hoạt động của hố thu gom nước thải sinh hoạt

–                 Kiểm tra trạng thái hoạt động của bể kỵ khí

–                 Kiểm tra trạng thái hoạt động của bể thiếu khí

–                 Kiểm tra trạng thái hoạt động của bể MBBR

–                 Kiểm tra trạng thái hoạt động của bể sinh học hiếu khí

–                 Kiểm tra trạng thái hoạt động của bể lắng

–                 Kiểm tra trạng thái hoạt động của bãi lọc trồng cây

–                 Kiểm tra trạng thái hoạt động của nhà máy thổi khí, hệ thống định lượng hóa chất

–                 Kiểm tra trạng thái hoạt động của bể khử trùng

–                 Nắm rõ nguyên lý hoạt động của nhà máy, chức năng hoạt động an toàn của các thiết bị trong nhà máy.

2.1.2. Chuẩn bị hóa chất sử dụng

–                 Trước khi vận hành hệ thống phải chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu cần thiết của hệ thống như hóa chất cung cấp cho quá trình vận hành. Luôn có kế hoạch thống kê dự trữ đủ hóa chất sử dụng không để tình trạng thiếu hóa chất vận hành làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý của nhà máy.

–                 Kiểm tra các thùng chứa hóa chất xem đã đến lúc phải pha thêm hóa chất cho hệ thống không?

–                 Đảm bảo nguyên tắc an toàn lao động khi làm việc, pha chế hóa chất.

–                 Đảm bảo luôn có nguồn nước sạch cạnh khu vực pha chế hóa chất

–                 Khi bị hóa chất khử trùng tiếp xúc với cơ thể phải ngay lập tức rửa bằng nước sạch, sơ cứu vết thương và chuyển đến cơ quan y tế gần nhất nếu cần.

–                 Tuyệt đối không tự ý pha chế hóa chất vào ca trực đêm.

–                 Nắm rõ nguyên lý pha chế hóa chất trong nhà máy, đảm bảo pha đúng nồng độ, số lượng cần thiết.

v  Pha chế hóa chất khử trùng: Javen (Hypochlorite NaOCl) 10%

– Người thực hiện pha chế hóa chất phải sử dụng thiết bị bảo hộ chuyên ngành: Đeo găng tay, đi ủng cao su, đeo kính bảo vệ mắt, mặc áo bảo hộ chuyên ngành

– Công thức pha chế hóa chất Javen 10% cho nhà máy: Hóa chất được mua về đã là dung dịch Javen 10%

– Pha dung dịch: Cho từ từ dung dịch Javen 10% vào thùng hóa chất

2.2.  CÁC ĐIỀU KIỆN, THÔNG SỐ VẬN HÀNH

Trình tự vận hành tuân theo chế độ cài đặt của hệ thống tủ điện điều khiển

Quá trình hoạt động tốt trong các điều kiện vận hành như sau:

–                 Giá trị pH: 5.5 – 8

–                 Giá trị DO: > 2mg/l.

–                 Tỷ lệ các chất ô nhiễm: BOD:N:P = 100:5:1.

–                 Lượng vi sinh vật có trong bể (MLSS) phù hợp.

–                 Tải lượng chất ô nhiễm/lượng vi sinh vật (F/M): 0.15-0.5

–                 Điều kiện được khuấy trộn hoàn toàn.

Trong giai đoạn xử lý hiếu khí cần thực hiện trình tự như sau:

  • Khi nước thải vào cụm bể MBBR + bể sinh học hiếu khí, ngập các ống phân phối khí phải bật máy thổi khí để cung cấp ôxy cho quá trình. Bật máy thổi khí để khí thông qua các ống phân phối khuyếch tán trước khi cho nước thải chảy vào. Điều này sẽ ngăn chặn các vật chất trong nước thải làm tắc ống phân phối khí. Điền đầy cụm bể hiếu khí (MBBR + bể sinh học hiếu khí) để việc hoạt động ở độ sâu của nước bình thường, như vậy cho phép ống phân phối khí hoạt động với hiệu suất cao nhất. Trong thời gian đầu này, mục đích của người vận hành là cố gắng gia tăng khối lượng vi sinh vật càng nhiều càng tốt từ một lượng nhỏ vi sinh vật ban đầu. Giai đoạn này thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Phụ thuộc vào lưu lượng nước thải đầu vào và khả năng phát triển của vi sinh vật trong bể. Chú ý: trong giai đoạn này để đẩy nhanh quá trình phát triển của vi sinh vật có thể bổ sung thêm lượng vi sinh vật từ bên ngoài vào: sử dụng men vi sinh, bùn hiếu khí từ các hệ thống hiếu khí khác sang.
  • Tiến hành thử khả năng lắng bằng ống đong 1000ml trong khoảng 30 phút. Quan sát bùn lắng và ghi lại kết quả trong khoảng một giờ. Nó có thể có màu của dòng ban đầu trong suốt mấy ngày đầu. Sau một vài phút trong ống đong hình thành những hạt rất nhẹ bắt đầu tạo thành với một màu vàng sẫm nhạt. Sau một giờ một lượng nhỏ những hạt này có thể lắng xuống đáy ống đong hình trụ đến độ sâu 10-20 mL, nhưng hầu hết vẫn lơ lửng. Hiện tượng này biểu thị việc khởi động hướng tới việc thiết lập một điều kiện tối ưu trong bể hiếu khí, nhưng cần có nhiều hạt hơn  nữa cho việc xử lý nước thải đạt hiệu quả cao hơn. Việc cho nước thải vào bể hiếu khí và tiến hành thông khí sẽ bắt đầu quá trình bùn hoạt tính. Vi sinh vật hiếu khí trong cụm bể hiếu khí có thức ăn và được cấp khí oxy, kết quả là quần thể vi sinh bắt đầu tăng lên. Sau hai hoặc ba giờ thông khí, cần thiết phải kiểm tra lại lượng Oxy hòa tan (DO) trong hồ xem đã đủ khí cấp vào chưa bằng máy đo oxy hòa tan. Kiểm tra DO đều tất cả bề mặt bể hiếu khí. Dùng máy đo DO và xác định DO dọc theo hai bên thành và cả trên mặt và dưới cách khoảng 1,5-2m kể từ mặt nước. Oxy phải có sẵn cho vi sinh vật hiếu khí trong bể. Nếu DO nhỏ hơn 1mg/l cần tăng lượng khí cấp vào. Nếu DO lớn hơn 3mg/l thì lượng ô xy cấp vào có thể giảm đi, nhưng không được ngừng sục khí. Nồng độ DO ban đầu có thể cao vì ban đầu còn ít lượng vi sinh vật sử dụng oxy.

           Nồng độ DO trong cụm bể hiếu khí cần được kiểm tra hai giờ một lần cho đến khi sự ổn định trong bể hiếu khí được thiết lập. Về sau, DO cũng sẽ thường xuyên được kiểm tra để duy trì lượng DO mong muốn. Sự thay đổi lưu lượng hàng ngày sẽ tạo ra nhu cầu oxy khác nhau. DO có thể cao khi lượng nước thải ít và DO trong bể có thể thấp  khi lượng nước thải đầu vào lớn. Giai đoạn này có thể kéo dài từ 10 – 15 ngày.

  • Điều khiển hệ thống duy trì nồng độ DO và duy trì tốc độ bùn hồi lưu thích hợp. Quá trình thông khí trong nước thải để duy trì lượng oxy hòa tan sẽ được thực hiện vài lần trước khi quá trình sa lắng diễn ra nước sạch nổi lên trên, bùn lắng xuống. Thông thường trong vòng 24 đến 72 giờ thông khí, những hạt bùn có khả năng lắng được có vận tốc lắng chưa lớn, nhưng chất lỏng ở phía trên thì trong hơn. Những hạt bùn hoạt tính (vi sinh vật) thì nhẹ và có thể trôi ra với nước trong khỏi bể lắng trong một chừng mực nào đó. Cố gắng giữ lại hầu hết những hạt bùn vi sinh vật đó, bởi vì, việc tích tụ bùn hoạt tính một cách nhanh chóng sẽ không xảy ra trừ phi chúng được giữ lại. Có thể bổ sung bùn hoạt tính từ một hệ thống xử lý nước thải tương tự để tăng lượng vi sinh vật cũng như tăng khả năng lắng.
  • Bùn hoạt tính trong bể hiếu khí nên được kiểm tra một cách chặt chẽ bằng cách sử dụng phép thử khả năng lắng của chất rắn trong 30 phút trong một tuần đầu. Kết quả của phép thử này biểu thị các đặc tính keo tụ, lắng và tạo khối của bùn. Hạt bùn lơ lửng tích tụ rất chậm lúc đầu nhưng tăng lên khi hiệu suất xử lý chất thải tăng. Lượng bùn tích tụ này sẽ được đo một cách cẩn thận và đánh giá hàng ngày. Vi sinh vật trong hệ thống thì rất đa dạng và nhỏ bé, rất phức tạp để biết số lượng chính xác của chúng. Để biểu diễn mức độ của quần thể vi sinh vật trong bể, MLSS được đo hoặc bằng mg/l hoặc trọng lượng chất rắn khô. Từ các thông số này có thể xác định được khối lượng tổng cộng của vi sinh vật dựa trên thể tích bể hiếu khí:

Tổng khối lượng chất rắn (kg) = Nồng độ SS đo được (mg/l) x Thể tích bể Aeroten (m3) / 1000

Mẫu nên được lấy cùng một giờ hàng ngày, tốt nhất là trong lúc lưu lượng ở mức cao nhất để tạo ra kết quả so sánh hàng ngày.

Điểm lấy mẫu: Cuối bể  hiếu khí tại thời điểm pha sục khí chuyển sang pha lắng, dưới bề mặt nước để đảm bảo mẫu tốt.

Quan sát một cách kỹ lưỡng sự tích tụ chất rắn lơ lửng và kết quả phép thử khả năng lắng sau 30 phút sẽ nhận biết được tốc độ phát triển của vi sinh vật, tình trạng vi sinh vật trong bể hiếu khí.

2.3. ĐIỀU KHIỂN QUÁ TRÌNH VẬN HÀNH

2.3.1. Chế độ điều khiển

Đặc điểm chính của quá trình xử lý bùn hoạt tính đó là quá trình xử lý phụ thuộc vào lượng chất rắn bùn hoạt tính trong hệ thống và thể chất của vi sinh vật. Để vận hành thành công, cần thiết phải duy trì sự quan sát và kiểm tra liên tục hàng ngày (bảy ngày trong tuần) bởi người vận hành. Tỷ số F/M và tuổi bùn là hai trong các phương pháp được sử dụng duy trì lượng MLSS mong muốn trong bể hiếu khí. Tuổi bùn được ưa thích sử dụng cho quá trình điều khiển vận hành bởi vì chất rắn lơ lửng rất dễ xác định. Thêm vào đó, tuổi bùn quan tâm đến hai yếu tố quan trọng cho sự vận hành thành công: (1) Chất rắn (thức ăn của vi sinh vật) đi vào quá trình xử lý và (2) chất rắn (vi sinh vật – MLSS) có sẵn để xử lý chất thải vào (thức ăn cho vi sinh vật). Tuy nhiên, trong những ngày đầu (khoảng 3 tháng đầu) nhất thiết phải sử dụng tỷ số F/M để vận hành, còn Tuổi bùn chỉ dùng để tham khảo. Sau khi đã vận hành thông thạo, có thể dùng thông số Tuổi bùn để vận hành vì sự đơn giản của nó.

Sau khi hệ thống đi vào hoạt động, tuổi bùn khác nhau có thể được thử để nhằm mục đích cải thiện dòng ra.

Thay đổi nồng độ MLSS sẽ làm thay đổi tỷ số F/M và tuổi bùn:

            Luôn luôn nhớ rằng  phải duy trì mức oxy hòa tan (DO) trong bể hiếu khí và yêu cầu cấp khí nhiều hơn khi nồng độ và hoạt tính của chất rắn trong bể hiếu khí tăng lên.

2.3.2. Các lưu ý cần thiết của chế độ điều khiển

Trong quá trình xử lý có thể kiểm tra sơ bộ độ đục của nước thải sau xử lý bằng mắt thường là một phương pháp định tính nhanh chóng để xác định chất lượng dòng ra của hệ thống xử lý. Khi hệ thống hoạt động tốt, cần xác định các điều kiện cụ thể. Biểu đồ dạng điểm mô tả đặc tính dòng vào, điều kiện bể MBBR, bể sinh học hiếu khí và đặc tính dòng ra. Khi các vấn đề nảy sinh làm chất lượng dòng ra xấu đi bắt đầu phát triển, cần xác định tại sao và hiệu chỉnh tình trạng. Nhớ rằng dòng vào và những điều kiện quá trình môi trường (như nhiệt độ) là tiếp tục thay đổi và cần thiết phải điều chỉnh thay đổi này.

Khi bắt đầu một chế độ điều khiển nên thực hiện các bước sau:

v  Xem xét nhật ký.

–        Có gì bất thường xảy ra không?

–        Kiểm tra lại tình trạng của các thiết bị trong nhà máy.

–        PH nước thải đầu vào của nhà máy, Nhiệt độ nước thải đầu vào

–        Mức DO trong cụm bể hiếu khí như thế nào? Duy trì DO trong bể ≥ 2 mg/l trong tất cả các bể hiếu khí.

–        Kiểm tra hóa chất vận hành của nhà máy

–        Kiểm tra vệ sinh toàn nhà máy (rác thải, cát tại sân phơi cát)

v  Kiểm tra bằng trực quan quá trình bùn hoạt tính

–  Có bất cứ bọt nào nổi trên bề mặt bể MBBR, bể sinh học hiếu khí không? Nếu có, bọt đó màu trắng, đen và độ dày của lớp bọt như thế nào?

–  Cụm bể hiếu khí có vẻ bình thường không? Chúng đục bất thường hay có chất rắn lơ lửng trên bề mặt không?

–  Kiểm tra dòng ra sau xử lý, theo quan sát nước ra sau xử lý có gì bất thường không? (Độ trong, màu, mùi…)

v   Xem xét lại kết quả

Chỉ số thể tích bùn SVI và quần thể vi sinh vật. Nếu SVI cao, chứng tỏ có một vài thông số bị sai. Chọn một mẫu chất lỏng hỗn hợp trong bể hiếu khí và kiểm tra dưới kính hiển vi một số loài, dạng và điều kiện sống của một số vi sinh vật trong hỗn hợp chất lỏng. Nếu có dư hoặc thiếu bất kỳ một loại vi sinh nào, xem xét thật cẩn thận số liệu phòng thí nghiệm. Các thông số chính làm thay đổi bao gồm (thông số MLSS; tốc độ và thời gian thải bùn; thông số DO).

Trong quá trình vận hành hệ thống có thể chấp nhận một số cú sốc ở một mức độ nào đó mà không có tác động có hại đến hệ thống, nhưng nó không thể chịu được một chuỗi sốc một cách liên tục.

Nhiều yếu tố có thể thay đổi mà người vận hành không thể lường trước hoặc điều khiển được nhưng bù lại bằng cách điều chỉnh các thông số hoạt động của hệ thống cho phù hợp.

Nếu hệ thống hoạt động không bình thường, sự cố có thể bắt đầu ở tuần trước đó hoặc sớm hơn. Để tìm nguyên nhân sự cố,  hãy kiểm tra lại số liệu đã lưu giữ: lưu lượng đầu vào, nồng độ các tham số đầu vào, mức tăng giảm nhiệt độ…

Luôn luôn phải đề phòng khả năng nồng độ chất độc có trong lưu lượng đầu vào,  mưa to, bão hoặc các sự cố về đường ống có thể làm thay đổi lưu lượng dòng vào và đặc tính chất thải.

Những thay đổi trong đặc tính nước thải là sự tăng hoặc giảm nồng độ COD/BOD, SS, N, P và nhiều chất khác. Trong những  trường hợp này người vận hành hệ thống phải có sự điều chỉnh cho thích hợp.

Hệ thống bùn hoạt tính bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhiệt độ. Trong suốt mùa hè, hệ thống bùn hoạt tính có thể hoạt động ổn định trong một phạm vi tải lượng và tốc độ thông khí nhất định, nhưng trong mùa đông tốc độ khí và phạm vi tải lượng thay đổi và hệ thống đòi hỏi ít không khí hơn và cần duy trì nồng độ MLSS cao hơn. Thường thì nhiệt độ thay đổi không nhiều lắm trừ khi nhiệt độ nước thải tăng hoặc giảm trên dưới 10OF (6OC).

Nhiệt độ là một yếu tố quan trọng trong quá trình oxy hóa liên quan đến sự tích tụ bùn. Nhiệt độ cao tạo ra tốc độ sinh trưởng vi sinh vật nhanh chóng và tích trữ nhiều chất thải hơn trong tế bào vi sinh vật với sự oxy hóa ít hơn. Do vậy, hoạt tính sinh học.

Chú ý:

Khi thấy một thay đổi lớn trong quá trình, đầu tiên kiểm tra lại số liệu phân tích của hệ thống. Tiếp theo, chỉ thực hiện điều chỉnh một thông số tại một thời điểm. Nếu  thực hiện hiệu chỉnh hai thông số, có thể sẽ không biết  liệu một hoặc cả hai hiệu chỉnh này cái nào sẽ giúp khắc phục cho quá trình. Khi một sự thay đổi được thực hiện, hãy xem xét hệ thống ít nhất một tuần trước khi thay đổi hoặc sửa đổi những thông số khác. Đừng thực hiện nhiều thay đổi quá nhanh.

Một số những hiện tượng thường xuất hiện trong quá trình vận hành:

  • Sự trương nở bùn:

Sự trương nở bùn là thuật ngữ để chỉ một trạng thái mà ở đó bùn hoạt tính có xu hướng biểu lộ lắng với tốc độ rất chậm và tạo bông nhỏ. Chất lỏng được tách ra từ chất rắn thường rất trong nhưng nói chung không đủ thời gian để lắng hoàn toàn chất rắn sau xử lý.

Sự trương nở bùn thường kèm theo quá trình bùn khó lắng như nhũ tương, bùn loãng. Vi sinh vật dạng sợi (filamentous) có thể sinh trưởng từ một khối bông này đến khối bông khác và hoạt động như những thanh nối ngăn chặn sự tạo khối của những hạt bùn và tạo ra khả năng lắng kém.

pH, DO và nồng độ chất dinh dưỡng thấp sẽ tạo nên sự trương nở bùn. Tỷ số F/M cao (tuổi bùn thấp) là nguyên nhân chính gây nên sự tái trương nở bùn.Vi sinh vật sinh trưởng nhanh có xu hướng lan ra nhanh chóng và sẽ không kết khối hoặc tạo khối bông cho đến khi tốc độ sinh trưởng giảm. Điều này thì khó để giữ lại đủ bùn có tỷ trọng thấp (bùn nhẹ) để làm giảm tỷ số F/M (hoặc tăng tuổi bùn). Để khắc phục vấn đề này bằng cách  giảm lưu lượng nước thải đầu vào  trong một vài ngày.

Khi sự trương nở xảy ra cần phải xem xét tỷ số F/M. Các ghi chép về hệ thống nên được kiểm tra lại cố gắng xác định xem nguyên nhân gây ra sự cố. Việc xác định nguyên nhân sẽ không cứu vãn được tình trạng trương nở hiện thời, nhưng nó sẽ là một bài học hữu ích và là thước đo để tránh gặp phải tình trạng tương tự tái diễn.

Để ngăn chặn sự trương nở bùn xảy ra, nên điều khiển một cách cẩn thận theo những mục sau.

Tỷ số F/M thích hợp:

Xem xét những ghi chép hoạt động của hệ thống một cách cẩn thận và duy trì F/M mà sẽ tạo ra dòng ra có chất lượng tốt nhất. Xem xét tải lượng chất rắn dòng vào, duy trì nồng độ MLSS thích hợp trong bể hiếu khí. Nói chung, sự trương nở có thể cứu vãn được bằng cách giảm F/M

Thông số DO thấp:

Không được để nồng độ DO giảm xuống quá thấp. Nên duy trì DO không dưới 2mg/l. Hàng ngày kiểm tra nồng độ DO để điều chỉnh lượng khí thích hợp bằng cách tăng/giảm van khí. Thường thì không phải điều chỉnh lượng khí để duy trì DO thích hợp trừ khi lưu lượng dòng vào và đặc tính nước thải thay đổi.

Sự sinh trưởng của sinh vật dạng sợi Flamentous:

Sự sinh trưởng của Filamentous có thể là do điều chỉnh F/M không thích hợp hoặc mất cân bằng dinh dưỡng, ví dụ như thiếu hoặc thừa nitơ, photpho hay cacbon. Nếu phát hiện sự sinh trưởng của Filamentous cần phải được khắc phục ngay, nếu không sẽ rất khó điều chỉnh sau này. Việc kiểm soát có thể thực hiện bằng cách tăng MLSS (Vi sinh vật nhiều hơn sẽ giảm F/M hay tăng tuổi bùn), bằng cách duy trì mức oxy hòa tan DO cao hơn và bổ sung chất dinh dưỡng bị thiếu hụt trong trường hợp đặc biệt.

  • Hiện tượng bùn thối:

Trường hợp có thể xảy ra hiện tượng bùn bị thối (quá trình yếm khí xẩy ra) khi bất cứ loại bùn nào lưu lại quá lâu ở trong một khu vực bất kỳ. Nó cũng có khả năng gây ra mùi hôi thối, phát triển chậm chạp và đôi khi đóng thành khối. Thậm chí một lượng nhỏ có thể gây nên sự xáo trộn trong bể hiếu khí. Bùn thối có thể xảy ra khi hệ thống ngừng hoạt động trong một thời gian. Để khắc phục bùn thối một cách hiệu quả, các bể hiếu khí phải khuấy sục hoàn toàn.

  • Chất độc:

Chất độc sẽ làm giảm khả năng hoạt động của vi sinh vật hoặc làm chết vi sinh vật, khi đó hệ thống bị đảo lộn và dòng ra có chất lượng kém. Trong quá trình vận hành cần giảm thiểu các chất ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của vi sinh vật. Những chất độc như kim loại nặng, acid, thuốc trừ sâu sẽ không bao giờ được đổ vào hệ thống rãnh mà không có sự kiểm soát.

  • Sự nổi bùn:

Sự nổi bùn không được nhầm lẫn với sự trương nở bùn (bulking). Sự nổi bùn là hiện tượng bùn lắng và đóng khối khá nhiều trong bể, nhưng sau khi lắng nó nổi lên trên mặt thành từng mảng hoặc những hạt nhỏ cỡ hạt đậu. Việc bùn nổi thường gây ra váng và bọt (màu nâu) trên mặt bể hiếu khí.

Khắc phục vấn đề này bằng cách tăng tỷ số F/M.

  • Sự tạo bọt:

Ngoài ra hiện tượng tạo bọt cũng thường xuyên xảy ra, ở đây có nhiều giả thuyết dẫn tới nguyên nhân này, ví dụ như sự có mặt của chất hoạt động bề mặt (chất tẩy rửa) trong nước thải hoặc cấp khí quá nhiều. Sự tạo bọt thường là do sự duy trì không hợp lý nồng độ MLSS và DO trong bể hiếu khí.

Khắc phục sự tạo váng nổi:

–                 Duy trì nồng độ MLSS trong hồ hiếu khí.

–                 Giảm cung cấp khí trong suốt thời gian lưu lượng thấp trong khi vẫn duy trì mức DO không nhỏ hơn 2mg/l.

Giải pháp này chỉ áp dụng với bọt chất tẩy rửa.

Chất váng bẩn từ vi sinh vật Nocardia thường có mặt trong bể hiếu khí. Khi số lượng Nocardia trở nên dư thừa, vi sinh vật có thể hình thành một lớp váng hoặc bọt dày  đặc, màu nâu đen trên bề mặt bể . Kiểm tra váng bọt nổi qua kính hiển vi có thể xác nhận sự có mặt của các vi sinh vật này. Các phương pháp có thể điều khiển  Nocardia nổi lên gồm có:

–                 Tăng F/M bằng cách giảm hỗn hợp lỏng rắn (MLSS) trong bể hiếu khí.

–                 Dùng cách phun nước dọc theo bể  để làm tan bong bóng.

2.4. CÔNG TÁC LƯU GIỮ SỐ LIỆU

Trong hệ thống xử lý việc theo dõi kiểm soát quá trình là một công việc hết sức quan trọng, nó quyết định đến hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống. Công việc này phải được thực hiện thường xuyên và ghi chép lại đầy đủ các điều kiện, thông số vận hành, các thay đổi trong quá trình để từ đó có các kết luận chính xác, tối ưu nhất cho quá trình vận hành, đưa ra được các điều chỉnh kịp thời để đảm bảo hệ thống luôn luôn ở trạng thái tối ưu nhất. Công tác lưu gữi và kiểm soát số liệu phải được lập thành bảng biểu cho từng ca trực, báo cáo số liệu cho từng tuần, từng tháng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *